A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trường THPT Nguyễn Tất Thành tham dự Hội thảo “GENZ MỞ CỬA TƯƠNG LAI”

Ngày 26/11, 66 học sinh và cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh của trường THPT Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) đã tham dự Hội thảo “GENZ MỞ CỬA TƯƠNG LAI” tại trường Đại học VinUni.         

 

Tham dự Hội thảo có Đoàn công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái do ông Vương Văn Bằng, giám đốc, làm trưởng đoàn cùng 20 cán bộ quản lý các phòng ban chuyên môn của Sở và Hiệu trưởng các trường THPT tỉnh Yên Bái.

Về phía trường Đại học VinUni có Giáo sư David Harrison, Phó Hiệu Trưởng, đại diện đơn vị tài trợ Hội thảo; các đơn vị đồng hành cùng Mạng lưới trong dự án Tam giác hướng nghiệp cùng hơn 1.000 học sinh, sinh viên, 300 nhà quản lý giáo dục, lãnh đạo doanh nghiệp và phụ huynh  của hơn 30 trường phổ thông cả nước.

Về phía Mạng lưới quản lí giáo dục không biên giới, có bà Phan Thị Hồng Dung, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển quản lí giáo dục, Đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Ban điều hành cùng các thành viên Ban điều hành Mạng lưới.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Phan Thị Hồng Dung cho biết: “Dự án Tam giác hướng nghiệp được khởi xướng không phải để hướng dẫn cho các con việc nào sẽ phù hợp, cũng không phải giúp các con tìm được việc tốt lương cao hay việc nào là xu thế phát triển trong thời gian tới. Bởi hướng nghiệp là một hành trình trọn đời, không chỉ là chọn được trường Đại học hay chọn được một việc làm mà sau đó là một quá trình liên tục điều chỉnh để thích ứng với công việc và phát triển sự nghiệp”.

Qua đó, Dự án mong muốn kết nối sức mạnh xã hội để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có cơ hội vượt qua góc nhìn hẹp trong gia đình, nhà trường để tiến ra với thế giới việc làm. Đồng thời, gặp gỡ với nhiều nhà lãnh đạo giỏi và chuyên gia hàng đầu để thấy những điều thú vị, biết được cơ hội và thách thức đang chào đón để có sự rèn luyện và chuẩn bị tốt nhất cho tương lai.

Hội thảo có 2 chủ đề về thế hệ Genz được trình bày bởi các diễn giả. Theo đó, chủ đề “Góc nhìn doanh nghiệp – Chân dung Genz được kì vọng” được trình bày bởi bà Hoàng Thị Mỹ Hạnh, Cán bộ Lãnh đạo từ Tập đoàn Vingroup. Chủ đề “Thế hệ GenZ – Phát triển năng lực tự hướng nghiệp” được bà Phan Thị Hồng Dung và ông Nguyễn Văn An - Co-founder, Chủ tịch Sách và Hành động cùng trao đổi.

Phiên tọa đàm “Cùng GenZ mở cánh cửa tương lai tươi sáng” với phần trao đổi rất thú vị giữa PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa, điều phối viên và các diễn giả khách mời: bà Hoàng Thị Mỹ Hạnh, Cán bộ Lãnh đạo từ Tập đoàn Vingroup; bà Phan Thị Hồng Dung, chủ tịch Mạng lưới Quản lý giáo dục không biên giới; nhà giáo Nguyễn Thị Thu, Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành - Yên Bái; bạn Bùi Hồng Anh, sinh viên năm 2, Viện Kinh doanh và Quản trị, Trường Đại học VinUni. Phiên tọa đàm tập trung vào những trăn trở về vai trò của Doanh nghiệp, các trường Đại học, các trường phổ thông với vấn đề hướng nghiệp, lựa chọn khởi nghiệp và chuẩn bị cho tương lai của thế hệ Genz.

Chia sẻ sau hội thảo, em Đặng Tiến Đạt (học sinh lớp 11V trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành) cho biết: “Em rất vui và cảm thấy đây chính là lúc chúng em - thế hệ GenZ nhận ra mình không thể chỉ ngồi im và quan sát xem tương lai gửi đến mình điều gì mà phải “dậy mà đi” tức là tìm hiểu con đường của mình, tìm ra lối đi phù hợp nhất với tiếng nói “lương tâm” bên trong và nền tảng của mình sẵn có.”

Dự án “Tam giác hướng nghiệp hiệu quả” là một trong những hoạt động trọng tâm nổi bật của Edulightenup (Mạng lưới quản lí giáo dục không biên giới). Dự án được khởi động từ tháng 10/2021 và nhận được sự ủng hộ, đồng hành của Trường Đại học Phenikaa và các Doanh nghiệp: Tập đoàn Qualcomm, Panasonic và Phenikaa-X, mang lại nhiều hoạt động thiết thực cho học sinh 11 trường THPT có dự án được lựa chọn. Học sinh tham gia dự án đã được tạo điều kiện tối đa cho các hoạt động nghiên cứu: được tài trợ kinh phí thực hiện dự án, được các giảng viên trường Đại học Phenikaa hướng dẫn thực hiện đề tài nghiên cứu; được tham quan, trải nghiệm tại các trường Đại học và doanh nghiệp; được tham gia các chương trình khởi nghiệp, thực tập nghề nghiệp… và rất nhiều các hoạt động ý nghĩa khác. Thông qua dự án, học sinh đã có cơ hội giao lưu học hỏi, gặp gỡ các thầy cô, tham gia những hoạt động khoa học lý thú trong chính ngôi Trường Đại học mơ ước, được trải nghiệm công việc thực tế, để từ đó có động lực nuôi dưỡng đam mê và sẵn sàng cho con đường các em mong muốn theo đuổi trong tương lai.

Trong giai đoạn 2, Tam giác hướng nghiệp sẽ có các chương trình trọng tâm mở rộng tới 26 trường THPT khắp cả nước nhằm tiếp tục phát triển năng lực tự hướng nghiệp cho học sinh THPT, với sự kết nối của 3 NHÀ (Doanh nghiệp, Trường Đại học, trường THPT).

 

Giai đoạn 2 sẽ có sự đồng hành của các nhà tài trợ: Qualcomm Việt Nam, Panasonic Việt Nam, Công ty cổ phần PhenikaaX, Đại học Phenikaa, Khoa các khoa học Liên ngành – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Kết thúc Hội thảo là phần trao chứng nhận cho 26 trường tham gia Dự án và nghi lễ chính thức khởi động Dự ánTam giác hướng nghiệp hiệu quả giai đoạn 2 của Đại diện EdulightenUp và các đơn vị tài trợ trước sự chứng kiến của hơn 1000 đại biểu tham dự.

 

Dưới đây là một số hình ảnh về hoạt động của đoàn:

 

 

 

 

 

 


Tác giả: Vũ Thị Mai Duyen
Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Tin tức
Tin tức
Tin đọc nhiều